Trọng Nguyễn: Gieo tình thân vào lời vọng cổ

Chợ Mới

Vùng căn cứ kháng chiến miền Tây Nam bộ không quên hình ảnh chàng thiếu niên ốm nhách, đen thui trên sân khấu “tiếng hát át tiếng bom” đã trở thành soạn giả tên tuổi. Gần đây, tôi đến thăm ông, soạn giả Trọng Nguyễn đã là ông lão hom hem, tuổi ngoài 80.

Một thời ngang dọc trên sông nước, dưới bom đạn, vẫn cất cao tiếng ca, Trọng Nguyễn an dưỡng tuổi già với gia đình con trai mở cửa hiệu trang điểm cô dâu Nguyễn Cường, trên đường Hòa Bình (TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu).

Bỏ dở câu chuyện với khách, ông đi vào phòng mang ra quyển Lịch sử đảng bộ huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang (1927- 2010). Lật từng trang, đến phụ lục thứ 15, in bài vọng cổ Chợ Mới của ông. Ông cười rất tươi: “Tôi thấy lạ lẫm tự hào, sách lịch sử Đảng bộ lại in bài ca vọng cổ của mình sáng tác!”.

Trọng Nguyễn: Gieo tình thân vào lời vọng cổ - ảnh 1Soạn giả Trọng Nguyễn.

Các thế hệ lãnh đạo huyện Chợ Mới đã nhiều lần đến thăm ông hoặc mời ông về thăm lại Chợ Mới. Ông kể: “Ông Bí thư huyện uỷ nói với tôi, dân cả huyện Chợ Mới và nhiều nơi khác đều thuộc bài Chợ Mới”.

Mở đầu bài vọng cổ, đôi trai gái hát: “(Nữ) Cái chợ có hồi nào và bao nhiêu tuổi/Mà ai cũng bảo rằng Chợ Mới quê hương/(Nam) Ở nơi đó tôi có một người thương/Cứ chiều chiều nàng ra bờ sông giặt áo…”.

Ông sinh ra ở nơi rất xa Chợ Mới, trong một gia đình nông dân nghèo trên cánh đồng Bìm Bịp, xã Quách Văn Phẩm (Đầm Dơi, Cà Mau). Học trường làng giỏi toán nhưng duyên đưa đẩy ông theo nghiệp cải lương. Mười sáu tuổi, ông vào bộ đội địa phương, mê ca hát nên được rút về Đoàn Văn công Giải phóng Cà Mau, làm diễn viên. Có một đêm diễn xong, vô sau cánh gà thay phục trang. Khán giả ái mộ lén nhìn qua hậu đài, “Trọng Nguyễn đen thui, ốm nhách mấy bà ơi!”- một giọng nữ la lên và rộ tiếng cười rúc rích.

Ông tâm sự: “Có bài vọng cổ viết trong thời gian ngắn, có bài ôm ấp hàng chục năm mới viết ra lời. Bài vọng cổ Chợ Mới, tôi viết trong vòng một tiếng đồng hồ”.

Nguyên mẫu

Nếu soạn giả Viễn Châu (tác giả Tình anh bán chiếu…) gieo ca từ vào đề tài lịch sử, điển tích về con người, vùng đất, tình yêu thì soạn giả Trọng Nguyễn để lại những bài ca vọng cổ đậm nét chiến tranh. Hai ông sống hai thời kỳ khác nhau, chọn hai chủ đề khác nhau nhưng có cùng cách sử dụng ca từ mộc mạc, dễ nhớ, dễ ca, mùi mẫn, càng ca càng thấy hay.

Ông bộc bạnh, mỗi tác phẩm đều có lý lịch riêng, hầu hết có nguồn cảm xúc từ nguyên mẫu cuộc sống.

Trọng Nguyễn được kết nạp Đảng ngày 15/5/1963, lúc đó, rất xúc động, chỉ biết khóc mà trong lòng trào dâng ơn Đảng mà không nói ra lời. Năm 1977, ông về thăm quê, đứng trước mộ mẹ, những cảm xúc hồi nào trỗi dậy.

Bài vọng cổ ông viết về mẹ có đoạn: “Những đêm tháng 10 nước lụt, gió đưa mưa về cho cơn lạnh thấu xương/ Chiếu rách lá chằm mẹ che cho đàn con trẻ, mà mưa vẫn rơi, mưa trắng cả đêm dài... / Mẹ đã lìa đời sau cơn bạo bệnh, những đứa con khờ thành những trẻ mồ côi”.

Một lần, ông về vùng đất anh hùng Vĩnh Hưng (Vĩnh Lợi, Bạc Liêu), mọi người kể về sự dũng cảm hy sinh của nữ du kích Nguyễn Thị Tư. Ông tìm đến căn nhà đó, nghe người hàng xóm kể lại giây phút cuối cùng của nữ du kích Nguyễn Thị Tư, gượng dậy trước nòng súng của kẻ thù, ôm lấy con để cho con bú, rồi bị giặt bắn chết, không khai một lời dù đồng chí, đồng đội và chồng của bà là xã đội trưởng lì lợm, đánh giặc lừng danh đang ẩn nấp quanh đây. Ông sáng tác ngay bài “Giọt sữa cuối cùng”.

Đoạn đầu bài hát, giặc chuẩn bị bắn thì chị vùng lên: “Khoan hãy chờ tôi giây lát/Rồi chị gượng đứng lên giành lại đứa con từ trong tay giặc/Nước mắt trào tuôn chị thầm gọi con…ơi/Bú nhanh lên, kẻo không còn kịp nữa, ơi con tôi, ơi bầu sữa, giọt sữa cuối cùng, con bú cạn nghe con, mai mốt đây, con tôi có khát sữa thì sữa Mẹ đâu còn, chỉ có nằm mơ trong giấc ngủ, giấc ngủ chập chờn, khát sữa bú tay”.

Nay ông về đứng trước mộ chị: “Hoa cỏ may ai trồng bên mộ chị, màu tím rưng rưng gợi nhớ thiết tha/Vĩnh Hưng ơi! đất anh hùng mỗi bận tôi qua, có bóng dáng và dấu chân của chị, dấu chân xưa còn nằm yên trong đất, đất anh hùng dấu chân ấy cũng nở hoa/ Chị ơi! tôi đang viết về chị một bài ca, mà nước mắt đã làm nhòe trang giấy, tôi nghe đâu đây như có dòng sữa ấy, chảy giữa tim tôi làm cao rộng những công trình”.

Nữ du kích Nguyễn Thị Tư cho đến lúc Trọng Nguyễn sáng tác bài “Giọt sữa cuối cùng”, hy sinh rất oanh liệt nhưng vì nhiều lý do, lãnh đạo xã Vĩnh Hưng chưa làm được thủ tục để công nhận là liệt sĩ. Bài hát ra đời làm rung động lòng người, đánh thức lương tâm của những người có trách nhiệm, nữ du kích Nguyễn Thị Tư được công nhận liệt sĩ, hài cốt đưa vào nghĩa trang. Người con của “Giọt sữa cuối cùng” được nhà hảo tâm cất nhà, sống hạnh phúc bên chồng con.

Trọng Nguyễn tên thật là Nguyễn Phú Xuân, sinh năm 1938, tại xã Quách Phẩm (huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau), tham gia làm diễn viên Đoàn Văn công tỉnh Cà Mau, Bí thư chi bộ, chính trị viên Đoàn Văn công khu Tây Nam bộ, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Bạc Liêu, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Sân khấu Việt Nam, Liên Chi Hội trưởng Chi hội Sân khấu Việt Nam - ĐBSCL. Ông đã viết hơn 200 bài ca cổ, 18 vở cải lương, 2 vở kịch nói.

Let's block ads! (Why?)



from Giải trí | Báo điện tử Tiền Phong http://ift.tt/2EfknpN
via IFTTT
Trọng Nguyễn: Gieo tình thân vào lời vọng cổ Trọng Nguyễn: Gieo tình thân vào lời vọng cổ Reviewed by Unknown on tháng 2 09, 2018 Rating: 5

Không có nhận xét nào

Post AD