Danh cầm đàn bầu trở về từ trời Tây
Nghiệp đàn bầu
Tại chương trình ca nhạc Paris By Night, trong những ca khúc Việt mang âm hưởng dân ca, khán giả rất ấn tượng với một ông già tóc búi tó, áo dài khăn đóng thường hay xuất hiện với cây đàn bầu, phô diễn kỹ thuật chơi đầy ngẫu hứng và điêu luyện. Không chỉ tham gia phần đệm nhạc phụ họa cho ca sỹ trong các tiết mục ca nhạc, ông còn chơi những màn solo độc đáo với cây đàn bầu mà khi xem xong, khán giả đã vỗ tay ào ào và gọi ông là “cao thủ đàn bầu”. Cây đàn bầu với thương hiệu Phạm Đức Thành đã trở thành hình ảnh không thể thiếu trong nhiều tiết mục ca nhạc của Paris By Night.
Phạm Đức Thành kể, ông sinh năm 1956 tại xã Gia Phú, huyện Gia Viễn - Ninh Bình. Gia đình không có ai theo nghề nhưng ông đam mê âm nhạc từ nhỏ và 4 tuổi đã biết chơi trống chèo, 5 tuổi đã biết đàn Mandolin, 6 tuổi biết gảy đàn bầu, kéo nhị. Quê nghèo, không có thầy dạy nên ông thường tự học thông qua chiếc loa công cộng trong thôn. Ông kể, mỗi khi có chương trình ca nhạc dân tộc là ông lại tìm cách nghe bằng hết. Không ít lần tiếng loa rè, hụt hơi theo gió ông phải leo lên cột điện để nghe cho rõ. Chỉ học lỏm nhưng Phạm Đức Thành đã chơi rất thành thạo nhiều làn điệu chèo, độc tấu các ca khúc dành cho đàn bầu và được người dân ở đây coi là…thần đồng. Năm 1974, tình cờ Đoàn chèo Trung ương về Gia Viễn tuyển diễn viên.
Dù không phải đối tượng được gọi nhưng Phạm Đức Thành vẫn tự tin vác đàn tới xin dự tuyển. Ông nhớ lại: “Tôi vẫn nhớ đó là vào tháng 5/1974, đoàn tuyển trạch do ông Ngọc Trung - Nhạc trưởng đoàn chèo Trung ương phụ trách. Thấy tôi vác cây đàn bầu, ông ấy bảo chỉ tuyển diễn viên, sao lại vác đàn đi theo. Tôi nói tôi chỉ biết đàn chứ không hát được. Sau khi tôi đàn, ông Trung bảo về đi. Tôi tưởng đã rớt, nhưng không ngờ mấy ngày sau tôi thấy có giấy báo được nhận. Sau tôi mới biết vì trong ban nhạc của đoàn có bác lớn tuổi chơi đàn bầu chuẩn bị nghỉ hưu nên thấy tôi đàn hay, đoàn nhận tôi để thế chỗ. Thế là tôi vác đàn ra Thủ đô từ đó”.
Ông Thành thừa nhận ở quê thì ông tưởng mình đàn giỏi, nhưng khi ra Hà Nội ông mới thấy mình còn thua kém rất nhiều. Không nản chí, ông “tầm sư học đạo”, cứ thấy ai chơi đàn bầu hay ông lại tới xin học. Từ chỗ chỉ biết chơi theo bản năng, không có chút kiến thức nhạc lý nào, ông Thành đã biết ký âm, biết đọc nhạc. Thấy ông Thành chịu học hỏi, nhiều cao thủ đàn bầu ở Thủ đô ngày đó đã nhiệt tình chỉ cho ông Thành thêm những kỹ năng độc đáo. Không ngừng học hỏi và rèn luyện, ông Thành đã có những thành công nhất định. Năm 1978, ông Thành là nhạc công của nghệ thuật chèo duy nhất tham gia Đại hội đàn bầu toàn quốc và đạt bằng danh dự. Sau đó, năm 1979 ông theo học chuyên ngành nghiên cứu âm nhạc và tốt nghiệp thủ khoa của Trường Âm nhạc quốc gia năm 1983 cũng với cây đàn bầu. Và cũng nhờ cây đàn bầu, ông Thành được nhận vào chơi tại khách sạn Rex (quận 1- TP HCM) - nơi thường đông du khách nước ngoài.
Người đem đàn bầu đi khắp thế giới
Năm 1989, ông Thành bị bệnh phải đi chữa trị tại Đức. Rồi biến cố bức tường Berlin đã khiến ông xa quê. Được một người thân bảo lãnh sang Canada định cư, ngay sau khi ổn định, ông Thành nghĩ đến chuyện mở lớp dạy âm nhạc dân tộc tại đây. Ông bảo: “Đời tôi gắn với cây đàn bầu và âm nhạc dân tộc, tôi mang nó theo đi khắp nơi. Với cái hay, cái độc đáo của cây đàn bầu, tôi luôn tin mọi người sẽ đón nhận”.
Trung tâm đào tạo âm nhạc do ông Thành sáng lập mang tên Vietnamese Music School được mở tại TP Mississauga (gần Toronto - Canada). Tại đây, ông Thành mở nhiều khóa học dạy chơi đàn bầu, dạy nhạc lý, dạy ca nhạc dân tộc Việt. Ngoài ra ông Thành cũng xây dựng các DVD kèm sách giáo khoa cho các nhạc cụ đàn bầu, đàn tranh, sáo trúc, đàn nguyệt, ghi ta, cổ nhạc miền Nam, ca Huế hay hát dân ca miền Bắc.
Ông còn tự học tin học để đưa các tài liệu dành cho tự học lên web. Ông Thành kể: “Tôi mở lớp học âm nhạc dân tộc ở nước ngoài không chỉ cho người Việt mà còn cho nhiều người nước ngoài tham gia đăng ký học. Về cây đàn bầu, ai cũng thắc mắc là cây đàn chỉ có một dây mà sao chơi hay đến thế. Trung tâm của tôi lúc nào cũng đông học viên. Nhiều người học ở trung tâm giờ đã thành nhạc công chuyên nghiệp”.
Không chỉ dạy nhạc mà tại Canada, ông Thành còn tham gia xây dựng chuyên mục âm nhạc dân tộc trên Radio Canada; Làm các show nhạc dân tộc tại Canada và Mỹ; Giảng dạy về âm nhạc tại các trường đại học. Ông Thành kể, ông nhớ nhất là lần được tham gia giới thiệu về âm nhạc dân tộc cùng với giáo sư Trần Văn Khê từ Pháp sang, được minh họa đàn bầu cho các bài giảng của giáo sư. Rồi lần tham gia biểu diễn cùng nghệ sỹ đàn tỳ bà nổi tiếng Liu Fang của Trung Quốc…
Với những cống hiến của mình cho âm nhạc dân tộc tại Canada, năm 2006 nghệ sỹ Phạm Đức Thành đã được đài truyền hình ART tại Canada vinh danh là một trong 12 nghệ sỹ cống hiến góp công truyền bá, giữ gìn và phát triển âm nhạc truyền thống Việt Nam trong nền âm nhạc dân gian của thế giới tại Canada. Trong danh sách nghệ sỹ được vinh danh đó chỉ có duy nhất ông Thành là người Việt.
Một trong những thành công khác của ông Thành là tham gia vào chương trình ca nhạc Paris By Night của Trung tâm Thúy Nga. Nhờ làm với Thúy Nga nên tiếng tăm của ông càng nổi, nhiều chương trình đại nhạc hội âm nhạc của người Việt khắp thế giới đều mời ông Thành tham gia. Mấy chục năm ở Canada, ông Thành đã đem cây đàn bầu đi trình diễn khắp thế giới từ châu Úc tới châu Mỹ, châu Âu và cả châu Phi…Tiếng đàn bầu của ông không chỉ kết nối người Việt mọi nơi mà còn là niềm tự hào cho mỗi người Việt với bạn bè bởi sự độc đáo và tinh hoa “có một không hai” của nó.
Giờ đây đã bước qua tuổi 60 nhưng ông Thành vẫn không nghỉ ngơi. Hàng ngày ông vẫn miệt mài bên cây đàn bầu để luyện tập thêm những kỹ năng. Theo ông, cả đời ông sẽ không thể khám phá hết những bí ẩn của cây đàn Việt. Mặc dù giờ đây, ông đã có thể chơi bất cứ bản nhạc nào trên cây đàn bầu cũng như có thể tạo ra âm thanh của nhiều nhạc cụ khác nhau chỉ từ cây đàn bầu.
Mơ một bảo tàng đàn bầu
Trong những năm chu du khắp thế giới cùng cây đàn bầu Việt Nam, ông Thành vẫn lặng lẽ tìm đọc các tư liệu âm nhạc về cây đàn bầu cũng như quá trình phát triển của nó; Rồi sự hiện diện của cây đàn bầu trong âm nhạc cổ truyền dân tộc Việt Nam. Mỗi một năm ông Thành lại về nước vài lần, tìm đến những nghệ nhân âm nhạc cổ truyền để tìm hiểu thêm, để phối nhạc và cùng các nghệ nhân chơi lại những bản cổ đó để ghi âm. Ròng rã suốt hơn 20 năm trời, hiện trong tay ông Thành đã có một bộ sưu tập các bản ghi âm audio lên tới cả ngàn bài dành cho đàn bầu. Và giữa năm 2017, ông đã về nước định cư hẳn cùng bộ sưu tập này.
Ông Thành bảo: “Lá rụng về cội, cả đời tôi sống chết với cây đàn bầu, giờ cũng là lúc tôi muốn đưa những gì tôi đã làm được đến cho mọi người. Tôi muốn lập một bảo tàng để bất cứ ai muốn tìm hiểu về đàn bầu có thể đến”. Theo phác họa của ông Thành, bảo tàng đàn bầu sẽ không chỉ trưng bày những mẫu đàn qua quá trình phát triển mà còn là bộ sưu tập audio của ông về đàn bầu. “Khách muốn tìm hiểu đàn bầu trong bộ nhã nhạc Cung đình Huế ư? Rồi khách muốn nghe người hát xẩm ở Thủ đô chơi đàn bầu như thế nào? Hay là đàn bầu với dàn nhạc giao hưởng, đàn bầu với ban nhạc hòa tấu, đàn bầu solo… Khách cũng có thể nghe lại những bài nói chuyện của Tiến sỹ Trần Văn Khê về đàn bầu có Phạm Đức Thành minh họa; Hay những ngón đàn tuyệt kỹ của các nghệ nhân. Trong bảo tàng sẽ có tất cả” - Ông Thành nói.
Hiện nay ông Thành đang xúc tiến tìm địa điểm cũng như xin giấy phép mở bảo tàng. Trong thời gian chờ đợi, ông vẫn xây dựng trang web và tải lên một số tư liệu trong bộ sưu tập. Theo số liệu từ trang web của ông, đã có hàng ngàn lượt người truy cập tìm hiểu. “Tôi đã từng chơi nhạc ở Rex 10 năm, rồi hơn gần 30 năm chơi nhạc khắp thế giới nên tôi hiểu du khách cần gì, muốn khám phá cái gì. Với cây đàn bầu - Một tinh hoa của văn hóa Việt thì tôi tin bảo tàng sẽ thu hút khách”.
Nghệ sỹ Phạm Đức Thành là người đầu tiên đưa bộ chân gấp vào đàn bầu để khi di chuyển, người nhạc công không phải vác theo chân đàn. Ông cũng là người thu nhỏ trái bầu trên đàn để có thể đánh được ở âm vực cao hơn nữa. Theo ông Thành: “Đàn bầu là di sản quý giá của cha ông đã để lại cho chúng ta. Không thể nổi hứng thêm cái nọ, bỏ cái kia của đàn để rồi gọi là cải tiến. Điều đó có khi làm mất đi chất âm, kỹ năng độc đáo của đàn bầu. Mỗi sự cải tiến đều phải cho đàn tiện dụng hơn, hay hơn”.
from Giải trí | Báo điện tử Tiền Phong http://ift.tt/2GMlMlp
via IFTTT
Post a Comment