Bắt chó thả rông: Nghề… “nghe chửi”
Người đầu tiên có mặt là anh Nguyễn Xuân Vũ, anh Giang Chấn Đạt đến trễ hơn và sau đó là tài xế. Trước đây, đội có 5 thành viên - 3 người bắt chó thả rông, 1 tài xế, 1 quay phim - nhưng nay chỉ còn 3 người.
Đúng 6 giờ 30 phút, chiếc xe thùng rời cổng trạm, hướng thẳng về phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2 để làm nhiệm vụ. Trước đó ít ngày, phường này đã đề nghị chi cục xử lý tình trạng chó thả rông rất nhiều, phóng uế bừa bãi gây mất vệ sinh.
Điểm đầu tiên là khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi. Sát trụ sở UBND phường, nhiều chú chó chạy nhảy nghênh ngang. Chiếc xe thùng dừng lại cách chú chó lông xù đốm vàng vài mét, anh Vũ bước xuống tung thòng lọng nhưng hụt. Anh Đạt đón đầu nhưng chú chó nhanh nhảu chạy thoát thân kèm theo những tiếng sủa inh ỏi, được một đoạn còn ngoái lại như thách thức.
Một người đi đường than phiền: "Chó chạy rông ở khu vực này nhiều lắm. Hôm rồi, tôi né chúng mà té trầy cả chân tay". Theo anh Đạt, "phi vụ" mở màn dù thất bại nhưng hy vọng chủ chó biết được cảnh này và không còn thả thú cưng ra đường.
Chó thả rông ngoài đường bị bắt đưa về Trạm Phòng chống dịch - Kiểm dịch động vật
Theo sau xe máy dẫn đường của công an, nhân viên phường Thạnh Mỹ Lợi, chiếc xe thùng chạy qua khu vực khác. Một chú chó mực khoảng 10 kg đang lững thững trên vỉa hè bị anh Vũ quăng thòng lọng giăng ngang cổ. Chú chó thứ hai có lông đốm trắng vàng, "nhập kho" khi đang đú đởn cùng bạn. Người phụ nữ chủ nhà vừa hốt hoảng đuổi chú chó còn lại vào trong để khỏi bị "hốt" vừa buông những lời khó nghe…
Tiếp tục đến đường Nguyễn Thị Định, Đội "SBC" bắt một chú chó vàng cạnh Trường Tiểu học Thạnh Mỹ Lợi. Do chú chó này lớn, nặng khoảng hơn 15 kg lại quá khỏe nên anh Vũ phải giằng co một lát mới khuất phục được. Nghe tiếng sủa vang, chủ nhà chạy ra, thấy chó cưng bị bắt giữ liền lớn tiếng chửi bới. Một thanh niên còn cầm ghế như muốn tấn công anh Vũ. Thấy công an phường đi phía sau, anh ta mới dừng lại nhưng vẫn hậm hực chửi đổng.
Vũ cho biết hơn 14 năm trong nghề, anh từng nhiều lần bị chủ nhà hoặc người dân trong xóm hành hung đến chảy máu, còn chuyện bị chửi bới thì như cơm bữa.
Dù công việc thường xuyên đối mặt hiểm nguy nhưng "vũ khí" của các thành viên "SBC" lại khá thô sơ, đơn giản. Đó là một ống sắt luồn dây cáp cỡ lớn. "Dùng dây cáp cỡ lớn để chó không bị siết cổ quá chặt, có vùng vẫy cũng ít bị trầy da. Chó là thú nuôi thân thiết của nhiều gia đình, khi nhận lại mà thấy nó trầy xước hay chảy máu, họ buồn thì mình cũng đâu vui gì" - anh Vũ giải thích.
Bắt chó thả rông là một công việc đặc thù nên không có trường lớp đào tào mà chủ yếu nghề dạy nghề, các nhân viên tự tích lũy thêm kinh nghiệm thực tế. Anh Vũ nhớ lại: "Tôi tham gia đội từ năm 2003, được các anh chị đi trước chỉ vẽ cách bắt chó sao cho hiệu quả. Làm công việc này yêu cầu phải có sức khỏe để "khuất phục đối tượng", nhất là khi gặp những chú chó to khỏe, không để bị chúng cắn".
"Trước khi vào nghề bắt chó thả rông, chúng tôi đã xác định là sẽ bị chửi bới, thậm chí hành hung, vì đụng đến vật nuôi, thú cưng của nhiều người. Thế nhưng, công việc của chúng tôi rất đàng hoàng, lương thiện. Vì vậy, chẳng có gì phải bận tâm khi người ta gièm pha, mắng chửi" - anh Đạt quả quyết.
Điều mà các nhân viên "SBC" ngán nhất là phải chích ngừa bệnh dại để đề phòng lúc làm nhiệm vụ chẳng may bị chó dại cắn. Anh Đạt cho biết mỗi lần chích ngừa là người rất mệt mỏi, sốt hầm hập, ăn uống không ngon miệng. Bác sĩ dặn không được làm việc nặng trong vòng 1 tháng nhưng đội chỉ có 2 người nên vẫn phải "xuất trận" để hỗ trợ các địa phương. Các chú chó bị bắt sẽ đưa về trụ sở đội ở địa chỉ 252 Lý Chính Thắng, quận 3, TP HCM chờ chủ đến nhận. Khi đến nhận thú cưng, chủ bị xử phạt 700.000 đồng do thả rông chó, nếu vật nuôi chưa chích ngừa còn bị phạt thêm 700.000 đồng.
from Tin tức trong ngày - 24H RSS http://ift.tt/2CdxP81
via IFTTT
Post a Comment